Một vòng các tỉnh miền Bắc chọn món đặc sản

63 tỉnh thành khắp Việt Nam, mỗi nơi đều có các món ăn đặc trưng. Bạn có thể thích, có thể không nhưng chỉ cần nhắc tới món ăn, bạn sẽ nhớ về vùng đất đó.
Xem thêm: 10 đặc sản nên mua làm quà khi du xuân miền Bắc
Hãy cùng khám phá món ăn đặc trưng của những 63 tỉnh thành trên cả nước, trước tiên là các món đậm dấu ấn của miền Bắc.

Cuốn sủi – Lào Cai

Cuốn sủi, một món ăn phổ biến ở Lào Cai. Ảnh: Thảo Nhi

Cuốn sủi là món ăn dân dã khá phổ biến ở Lào Cai. Món này có phần hơi giống với món phở tíu. Cuốn sủi gồm bánh phở trắng mềm để bên dưới bát, bên trên rắc lên một nhúm mì được làm bằng củ dong rang giòn, một vài miếng thịt bò, chan vào một thứ nước dùng hơi sền sệt với hương vị khá đặc biệt. Khi ăn có thể rắc thêm chút hạt tiêu, vài hạt lạc cùng vài lát ớt ăn khá lạ miệng nhưng lại rất thanh mát, dễ ăn. Bạn có thể dễ dàng thưởng thức món ăn này tại các quán ăn ven đường cho đến các nhà hàng kiểu Hoa.
Xem thêm: Thương hiệu Sapa qua những món ngon

Pa pỉnh tộp – Điện Biên

Pa pỉnh tộp hay còn gọi là cá nướng đặc trưng của Điện Biên. Cá nướng thì có lẽ ở đâu cũng có, nhưng chế biến theo kiểu đặc biệt này thì có lẽ chỉ ở nơi đây. Cá để làm món này thường là cá chép, cá trôi, cá mè… không cần to quá. Cá được đem mổ dọc ở phía lưng, không mổ phía bụng rồi bóc bỏ phần ruột. Cá Điện Biên chủ yếu là cá suối nên không có mùi tanh như cá biển. Người ta cũng không rửa lại cá sau khi đã mổ. Cá được khía đều trên thân để khi ướp sẽ ngấm gia vị hơn, sau đó sẽ nhồi hỗn hợp gia vị gồm mắc khén, rau thơm, ớt, hành củ, muối đã trộn đều vào trong bụng. Cuối cùng người ta sẽ gập ngang thân cá lại đem kẹp vào que tre nướng trên bếp than củi. Món pa pỉnh tộp đậm đà và có mùi thơm đặc biệt của mắc khén ăn với gì cũng hợp từ cơm nếp, cơm tẻ… và là món nhậu đàn ông Tây Bắc ưa thích.
Xem thêm: Sắc màu ẩm thực Điện Biên

Cốm Tú Lệ – Yên Bái

Hãy một lần đến Yên Bái vào mùa lúa chín và thử cốm Tú Lệ. Ảnh: Dovietcuong

Một món ăn vặt mà du khách khi đến Yên Bái ai cũng mong muốn được thử và mua về làm quà cho người thân ở nhà chính là cốm Tú Lệ. Cốm Tú Lệ được làm từ giống gạp nếp Tan Lả nên hạt cốm mẩy, to tròn lại có vị thơm rất đặc trưng. Lúa để làm cốm phải được căn ngày gặt sao cho còn nguyên sữa, sau đó đem tuốt, sàng bỏ rơm, hạt lép rồi đem đi đãi qua nước rồi mới cho lên chảo rang. Cốm Tú Lệ cầu kỳ từ cách chế biến. Bếp lò để rang cốm phải đắp xỉ than và dùng củi đốt. Cốm rang xong cũng phải rải ra cho nguội bớt mới đem giã, giã cho đến khi cốm dẹt mỏng, dẻo và dậy mùi thơm mới đạt yêu cầu. Cốm Tú Lệ có thể nhâm nhi như món quà vặt, hoặc thưởng thức chung với ấm trà hay đêm chấm chuối đều rất thơm ngon.
Xem thêm: Mù Cang Chải óng ả mùa lúa chín

Thịt lợn muối chua – Hoà Bình

Thịt lợn muối chua Hòa Bình là món ăn rất được du khách yêu thích. Bởi cách chế biến độc đáo, lạ miệng. Thịt lợn muối chua chế biến được ngon cũng khá phức tạp. Thịt lợn phải được đặt trên lá chuối rừng đã hơ qua lửa, rải bên dưới một lớp gạo rang, muối rang. Thịt trước đấy cũng đã được ướp với men lá cùng với gạo rang đã được giã nhỏ. Cứ rải hết lớp thịt người ta lại đổ lên một lớp gạo và muối rang lên cho đến hết thì mới đậy thật chặt, kín nắp bằng lá chuối, đem để gần bếp củi hoặc gác trên bếp. Thịt lợn muối chua khi ăn có vị ngọt thơm của miếng thịt lại có cả vị thơm của cây cỏ núi rừng, vị ngậy của gạo thính rang, vị chua nhẹ rất dịu của men lá.
Xem thêm: Ba Khan – chốn bồng lai ngay gần Hà Nội

Rêu đá nướng – Lai Châu

Nếu có cơ hội du lịch Lai Châu nhất định bạn phải thử món rêu đá nướng – một món ăn dân dã của người dân nơi đây. Rêu đá phải rất kỳ công mới có thể lấy về từ các tảng đá bên suối. Sơ chế rêu đá cũng không đơn giản, không chỉ rửa sạch loại bỏ chất bẩn bám vào mà còn phải đem đập vài lần mới có thể chế biến được. Rêu được đem tẩm chung với hạt sẻn, quả muối, hạt dổi, bột ớt, gừng, sả… rồi gói lại vào trong lá dong đem vùi vào trong tro bếp nóng. Món này khi ăn rất lạ miệng nhưng lại thanh mát, mềm, ngậy rất ngon.
Xem thêm: Bồng bềnh hoa cải trắng Mộc Châu

Cháo ấu tẩu – Hà Giang

Đừng rời Hà Giang mà chưa ăn cháo ấu tẩu. Ảnh: Kiến Thức

Hà Giang không chỉ nổi tiếng với đèo Mã Pí Lèng, với cao nguyên đá Đồng Văn, hoa tam giác mạch… mà còn được biết đến với món cháo ấu tẩu vô cùng đặc biệt. Củ ấu tẩu sau khi đã được ngâm kỹ trong nước vo gạo một đêm phải được đem hầm ít nhất là 4 tiếng mới đạt yêu cầu. Sau đó người ta bỏ gạo nếp cái hoa vàng trộn với gạo tẻ thơm ninh nhuyễn trong nước hầm xương chân giò và bột củ ấu. Thêm vào chút thịt nạc băm nhỏ, gia vị là đã được bát cháo ấu tẩu với đủ các cung bậc mùi vị: từ vị đắng của ấu tẩu, đến vị thơm của hành, tía tô, vị ngậy của nước xương… Cháo ấu tẩu nếu àm ăn có thể chỉ thấy vị đắng rất khó nuốt nhưng quen rồi lại rất dễ nghiện. Thậm chí có những người thưởng thức một lần lại tìm đến Hà Giang chỉ vì bát cháo ấu tẩu. Món ăn còn là bài thuốc giải cảm rất công hiệu.
Xem thêm: Những trải nghiệm mới Hà Giang ngoài ngắm hoa Tam giác mạch

Canh mọ – Sơn La

Canh mọ là món ăn truyền thống không thể thiếu vào các ngày lễ Tết của người Khơ Mú sinh sống tại Sơn La. Canh mọ được chế biến từ các loại thịt của chim, chuột, sóc đã sấy khô và được băm nhỏ trộn với hoa chuối, rau thơm, mắc khén, ớt… Sau đó sẽ được cho vào trong ống tre cùng với gạo nếp giống như món cơm lam, đem đốt. Khi sôi thì người Khơ Mú sẽ dùng que tre vót nhọn sọc cho đến khi hỗn hợp nhuyễn, khi chín đem đổ ra bát giống như một loại nướt sốt, dùng xôi nếp hoặc cơm lam chấm ăn rất ngon, đậm đà và mùi vị chắc chắn sẽ rất khó quên.
Xem thêm: Hồng Ngài – bản nhỏ vùng cao của Sơn La

Nằm khâu – Cao Bằng

Nằm khâu là một món ăn luôn xuất hiện trên mâm cỗ cưới của người dân tộc Tày ở Cao Bằng. Nằm khâu chế biến cũng rất cầu kỳ, thịt ba chỉ phải đem rán giòn bì sau đó mới được hấp cách thủy với các loại gia vị đặc biệt và khoai (thường là khoai sọ). Món ăn đặc biệt này thoạt nhìn sẽ thấy rất ngấy bởi miếng thịt xếp trên bát khá to lại còn nguyên bì và mỡ, phần nước sâm sấp cũng sóng sánh do mỡ thịt chảy ra. Nhưng nếu đã thưởng thức thì chắc chắn sẽ lại muốn gắp thêm, nằm khâu ăn với cơm rất đưa cơm.
Xem thêm: Hạt dẻ Trùng Khánh – món quà đặc sản ở Cao Bằng

Vịt quay – Lạng Sơn

Vịt quay Lạng Sơn nổi tiếng khắp nơi. Ảnh: Binhlawyer

Vịt quay xứ Lạng từ lâu nay đã nức tiếng xa gần. Vịt quay đúng chất của người Lạng Sơn sẽ phải chế biến rất cầu kỳ. Tẩm ướp vịt cũng cần đủ các loại gia vị như lá rừng, mắc mật, mật ong, hắc xì dầu, sả, ớt, tiêu đen, dầu đậu nành, gừng, chanh, tỏi, mạch nha… Vịt sau khi được vặt lông phải được thổi bằng ống lá đu đủ cho da dẻ căng phồng rồi nhanh chóng thả vào nồi nước sôi cho se lại rồi lại được phết đều lên một loại nước sền sệt với các gia vị đã kể trên. Bụng vịt cũng được nhồi nhiều loại lá rừng đặc trưng rồi khâu lại để cho ngấm sẽ được mang nướng qua trên than hồng cho đến khi màu da vịt chuyển sang nâu thì mới cho vào chảo mỡ sôi đã phi sẵn ớt, xả, gừng. Vịt xứ Lạng sẽ được dùng chung một loại nước chấm đặc biệt mà chỉ nơi đây mới có.
Xem thêm: Quýt Bắc Sơn, món quà quý xứ Lạng

Bánh ngải – Bắc Kạn

Bánh ngải là món ăn quen thuộc của người Tày ở Bắc Kạn. Món bánh này gần giống với bánh dày miền xuôi nhưng lại mang màu xanh đặc trưng của lá ngải. Cầu kỳ nhất khi làm món bánh này là ở công đoạn chọn gạo. Gạo làm bánh phải là loại gạo nếp nương không được lẫn dù chỉ một hạt gạo tẻ. Bánh ngải ăn mát và quyện vị hăng nhưng thơm của lá ngải, vị ngọt của nếp nương, của đường. Món bánh này cũng được rất nhiều du khách ưa thích mua về làm quà cho người thân, bạn bè ở nhà.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch hồ Ba Bể

Gỏi cá bỗng – Tuyên Quang

Gỏi cá bỗng sông Lô ở Tuyên Quang được chế biến rất khác so với những nơi khác. Thay vì dùng thính gạo thì người dân nơi đây dùng chính phần xương cá băm nhỏ, rang cho vàng rồi đem tán mịn để trộn đề với lạc rang giã rối. Cá bỗng làm gỏi cũng phải được ngâm từ trước trong nước chế từ quả tai chua. Khi ăn từng lát cá thái mỏng sẽ được ăn kèm với các loại lá rừng như sung, sấu, vón vén… chấm với một loại nước chấm đặc biệt của địa phương. Nếu có dịp đến Tuyên Quang chắc chắn bạn nên tìm và thưởng thức món đặc sản thơm ngon này.

Bánh coóc mò – Thái Nguyên

Coóc mò là món bánh dân dã tại Thái Nguyên. Ảnh: Trang Hà

Bánh coóc mò là một món ăn truyền thống của dân tộc Tày ở Thái Nguyên. Bánh rất đơn giản và dân dã, được gói lại bằng lá chuối có hình chóp dài, làm từ gạo nếp hương cùng nhân lạc đỏ. Bánh rất dễ ăn, lại không ngấy thích hợp làm món quà vặt hoặc mua về làm quà cho người thân ở nhà.
Xem thêm: 8 đồi chè đẹp như tranh ở Việt Nam tha hồ chụp ảnh

Thịt chó Việt Trì – Phú Thọ

Nhiều người đồn nhau rằng đến Phú Thọ mà chưa ăn thịt chó Việt Trì thì chưa gọi là đến đây. Thịt chó Việt Trì rất nổi tiếng bởi hương vị đậm đà và cách chế biến đặc biệt, khiến người ăn nhớ mãi. Thịt chó mềm thơm mà lại không bị sẫm màu như các nơi khác. Món dồi, nướng không bị khô mà vẫn đạt độ mềm, thơm vừa tới.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch đền Hùng – Phú Thọ

Cua da – Bắc Giang

Cua da Bắc Giang là món đặc sản rất nổi tiếng, chỉ có vào khoảng tháng từ tháng 9 đến tháng 11 trong năm. Cua da hấp bia được dân nhậu đánh giá là tuyệt ngon, thường sống trong các hốc đá, càng ở dưới sâu thì cua càng có màu đen sẫm và càng được đánh giá là có chất lượng hảo hạng. Cua hấp chín có màu vàng cam rất bắt mắt. Thịt cua ngọt, lớp vỏ ở chân lại khá mềm, pha bột canh với chút mù tạt và vài giọt chanh để chấm cua thì không gì tuyệt bằng.
Xem thêm: Chốn bình yên trên thảo nguyên Đồng Cao

Sam – Quảng Ninh

Sam biển trước ít được biết đến, nay ngày càng phổ biến. Ảnh: Thảo Nhi

Sam là một loại hải sản biển mà không phải vùng biển nào cũng có. Nếu có dịp đến Quảng Ninh bạn hãy tranh thủ thưởng thức món này nhé. Trước kia người ta không mấy khi ăn con sam nhưng dần dần nó trở thành đặc sản lúc nào không hay. Dân biển khi chế biến con sam đều phải giết theo đôi một đực một cái, bởi người ta cho rằng nếu chỉ chế biến một con sẽ dễ bị dị ứng, lạnh bụng. Nếu có dịp đến đây bạn nên ăn thử món ngon này. Sam được chế biến thành khá nhiều các món như xào chua ngọt, làm chả, trứng sam… ăn rất lạ và ngon miệng. Tuy nhiên sam là loại hải sản có tính hàn nên nếu bạn có “tiền sử” bị dị ứng, hay lạnh bụng với hải sản thì bạn không nên ăn hoặc ăn ít thôi nhé.
Xem thêm: 5 món ăn ngon mà chất không thể bỏ qua ở Hạ Long

Nem Bùi – Bắc Ninh

Nem Bùi là món ăn dân dã được khai sinh từ làng Bùi, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ra đời khoảng gần 100 năm, món ăn đặc sản vùng Kinh Bắc này đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Và hiếm nơi nào có loại nem với mùi vị đặc biệt như nơi đây. Nem được làm từ phần thịt hông của con lợn cả nạc cả mỡ. Thịt để sống, nhưng bì phải luộc chín rồi xắt nhỏ nên gia vị tỏi ớt bột ngọt cho vừa miệng và trộn với thính nóng. Sau đó để cho ngấu thịt mới nắm chặt nem thành từng quả nhỏ đem bọc trong lá chuối. Nem Bùi là món ăn nhâm nhi, lai rai trên bàn nhậu rất tuyệt.
Xem thêm: Những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng miền Bắc

Cá kho làng Vũ Đại – Hà Nam

Có dịp đến mảnh đất Hà Nam bạn nhất định phải thử món cá kho niêu đất làng Vũ Đại. Cá kho nơi đâu cũng có thể làm nhưng cá kho nơi đây được kho theo cách cổ truyền khiến hương vị vô cùng đặc biệt, khó có nơi nào sánh nổi. Cá trắm đen phải được kho trong niêu đất khoảng 12 tiếng, khi ăn thịt cá phải mềm, xương cá tan ra trong miệng. Khi kho cá điều quan trọng còn nằm ở củi để đun, phải là củi nhãn và vỏ trấu mới đạt tiêu chuẩn. Cá kho niêu Vũ Đại ăn cùng cơm bát cơm trắng nóng hổi thật không còn gì bằng.
Xem thêm: Những đặc sản nổi tiếng được săn đón dịp Tết

Bún chả – Hà Nội

Bún chả là một trong những món ăn không thể bỏ qua ở Hà Nội

Hà Nội có rất nhiều các món ăn ngon, sẽ thật khó để chọn ra món nào ngon nhất trong kho tàng ẩm thực đồ sộ đấy. Nhưng nếu bạn là người ở nơi khác đến thì nhất định phải thử bún chả Hà Nội. Mỗi suất bún chả sẽ gồm một đĩa bún rối, một bát nước chấm chua ngọt cùng với chả băm, chả miếng và dưa góp, thường làm từ đu đủ. Bún chả khi ăn cũng không thể thiếu rau sống với vị thơm thanh mát. Món ăn tuy có phần đơn giản dân dã nhưng lại rất thơm ngon, dễ nghiền.
Xem thêm: Những món ăn vặt đầy mê hoặc đất Hà thành

Chả rươi Tứ Kỳ – Hải Dương

Chả rươi Tứ Kỳ là món ăn mà nếu bạn chưa thử khi đến Hải Dương thì sẽ là thiếu sót vô cùng lớn. Tuy nhiên không phải mùa nào cũng có rươi, mùa rươi vào tầm tháng 8 Âm lịch. Chả rươi Tứ Kỳ nức tiếng bởi vị béo ngậy, ngọt đậm của thịt rươi trộn lẫn với trứng gà, nhưng lại không ngấy nhờ vào vỏ quýt và rau húng thơm. Ai đã thử qua món này chắc chắn đều rất khó lòng mà quên được mùi vị của nó.

Bánh đa cua – Hải Phòng

Bánh đa cua là món rất đáng thử khi đến Hải Phòng. Ảnh: Foody

Bánh đa cua Hải Phòng ngày càng nức tiếng và có mặt ở cả những tỉnh thành khác trên cả nước. Bánh đa đỏ được trần với nước sôi cho chín rồi đổ vào bát cùng với rau nhút, rau muống, chả cá, chả lá lốt, gạch cua chưng, thịt cua, cà chua, trên cùng là hành lá thái nhỏ cùng chút hành khô phi thơm. Chan thứ nước dùng đậm đà là bạn đã có một món ăn vô cùng hấp dẫn và rất khó lòng mà cưỡng lại rồi. Bánh đa cua Hải Phòng có mùi vị rất đặc biệt mà bạn chỉ có thể cảm nhận được khi ăn đúng ở đất cảng.
Xem thêm: 3 món ngon Hải Phòng không phải ai cũng biết

Cả gà Tiếu Quan – Hưng Yên

Chả gà Tiếu Quan là món ăn công phu, tinh tế ở đất Hưng Yên. Món chả gà cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu, gà làm chả phải là những con to khỏe nuôi thả ở vườn, thì thịt mới chắc, mới thơm. Chọn lấy phần nạc, lọc bỏ gân, da, xương đem thái nhuyễn và cho vào cỗi giã thủ công bằng tay. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn, thêm lòng đỏ trứng, nước mắm, tiêu, gừng… đặc biệt trong chả gà còn có cả vỏ quýt. Có lẽ cũng chính nhờ thứ gia vị đặc biệt này mà chả gà Tiếu Quan càng trở nên thơm ngon, đặc biệt đến vậy. Chả gà khi giã xong, nặn thành miếng sẽ được cho vào mo cau đem nướng trên than hoa. Món chả này nhâm nhi ăn cùng xôi, cơm trắng chắc chắn sẽ khiến bạn nhớ mãi.

Cá nướng úp chậu – Nam Định

Cá nướng úp chậu là món ăn truyền thống của người dân Nam Định, thường chỉ xuất hiện trên mâm cỗ lễ Tết đầu năm. Cá sẽ được đem úp trong một chiếc chậu chuyên dụng rồi đốt rơm, om trấu trong khoảng 5 tiếng mới đủ độ chín. Cá bên trong chậu hấp thụ nhiệt nên sẽ không bị cháy, lại giữ nguyên được độ săn chắc, mùi thơm tự nhiên rất đặc biệt. Da cá vàng ươm, giòn dai như khi ăn mực nướng rất thú vị.

Dê núi – Ninh Bình

Dê được chế biến thành nhiều món, rất đặc biệt. Ảnh: NH Thăng Long

Thịt dê núi từ rất lâu đã trở thành thứ đặc sản mà du khách đến đây đều mong muốn được thưởng thức. Dê có thể chế biến thành rất nhiều món từ ủ trấu, nướng, hấp, xào… nhưng ngon nhất phải kể đến dê tái chanh. Dê tươi được đem xắt lát móng nhúng nước sôi cho tái rôi đem bóp cùng nước cốt chanh, gừng, tỏi, ớt, tiêu, lá chanh thái sợi. Khi ăn sẽ ăn cùng sung, chuối xanh… chấm với tương bần rất đậm đà thơm ngon.

Xem thêm: Các điểm tham quan du lịch Ninh Bình

Canh cá Quỳnh Côi – Thái Bình

Canh cá Quỳnh Côi là món ăn từ rất lâu đời của người dân Thái Bình. Cánh cá chỉ làm với loại cá rô đồng có màu vàng mượt sống ở cùng có đất sét đỏ. Cá ở đây ăn hoa lúa nên rất béo và thơm. Trải qua nhiều biến đổi món ăn này cũng đã có những biến thể nhất định tuy nhiên vị ngon đặc trưng vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Cá phải nướng hoặc rán, luộc cho vừa chín, rồi mới được đem làm canh với bánh đa hoặc cháo. Nước dùng phải thơm mùi chanh, ớt, thì là, rau răm… quyện với vị ngọt thơm của thịt cá. Canh cá ăn với bánh đa hoặc bún là hợp và ngon nhất.

Cá thính chua – Vĩnh Phúc

Cá thính chua là món đặc sản rất đặc biệt của tỉnh Vĩnh Phúc. Cá được làm sạch ruột, bỏ đầu, để cho thật ráo nước. Sau đó người ta sẽ xếp cá vào vại hay lọ thủy tinh theo thứ tự cứ một lớp cá, lại đến một lớp muối. Để vại cá ướp cùng muối trong nhà khoảng 4 – 7 ngày thì mới gỡ cá ra khỏi muối, dùng tay ép sao cho cá chảy hết nước và mang đi phơi nắng cho cá se và khô lại. Tiếp đó sẽ dùng tay nhồi bột thính (được làm từ ngô và đỗ tương đã rang chín xay thành bột) khắp mình cá từ trong ra ngoài sao cho thật đều. Rồi lại xếp vào vại sành đã rửa sạch. Đậy vại lại bằng nan tre được đan thật kín rồi úp ngược vào trong một bát nước sôi để nguội. Khoảng 2 tuần sau, món cá thính chua hoàn thành có mùi thơm nức của thính gạo, vị chua dịu của thính đã lên men và đặc biệt thịt cá phải có màu hồng ngấu chín mới đạt chuẩn. Người ta còn chế biến cá thính chua thành rất nhiều các món và ngon nhất là đem nướng trên than hoa.

(Theo NgoiSao)

Khúc biến tấu từ cháo khắp ba miền

Ở mỗi vùng miền, cháo được nấu kết hợp với nguyên liệu đặc trưng của nơi đó tạo nên món ăn đặc sắc mang hương vị riêng níu chân du khách phương xa.

Cháo ấu tẩu, cháo lươn cay, cháo nhum… là những món cháo bạn nên thử khi du lịch tới các vùng đất.

Cháo ấu tẩu Hà Giang

Cháo ấu tẩu là một nét đặc sắc mỗi khi nhắc đến cao nguyên đá Hà Giang. Cách nấu cháo rất công phu, củ ấu tẩu sau khi ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm rồi đem hầm trong vòng 4 tiếng. Gạo nếp cái hoa vàng được trộn với gạo tẻ thơm nấu nhuyễn trong nước hầm xương chân giò và bột củ ấu. Thêm chút thịt nạc băm nhỏ, chút gia vị. Bên cạnh vị bùi, béo ngậy và dễ nhận ra bát cháo hơi đắng, lạ miệng, nhớ mãi trên hành trình khám phá cao nguyên đá.

Cháo ấu tẩu chỉ được bán vào buổi tối, giá 20.000 đồng một bát. Ảnh: Phan Dương

Cháo lươn cay Nghệ An

Cháo lươn xứ Nghệ thường ăn vào bữa sáng hoặc ăn khuya. Nước súp được ninh từ xương sống lươn, người xứ Nghệ để nguyên hạt gạo mà ninh cháo chứ không giã nhỏ hay xay gạo thành bột, hạt nở bung mà không nát, sánh đều, giữ được vị ngọt từ xương lươn. Khi đến thành phố Vinh, bạn có thể tìm đến những quán cháo lươn ngon ở đường Phượng Hoàng, Cửa Nam, Mai Hắc Đế… vào buổi sáng. Nếu muốn ăn khuya, hãy ghé phố ăn đêm cổng thành (cạnh sân vận động Vinh), ga Vinh… với giá 25.000 – 30.000 đồng một bát.

Gọi bánh mì ăn kèm là cách thưởng thức cháo lươn đúng điệu. Ảnh: Má Lúm.

Cháo nhum Nha Trang, Khánh Hòa

Vùng biển Khánh Hòa có nhiều nhum (cầu gai), được chế biến thành món cháo ngon bổ dưỡng. Nhum sau khi bắt dưới biển lên được rửa sạch, tách làm đôi. Người chế biến khéo léo dùng thìa gỡ lấy thịt, ướp gia vị rồi phi cùng hành mỡ, cho vào nồi cháo nóng một vài phút. Bát cháo thơm ngon với nhiều màu sắc, màu trắng của hạt gạo, màu xanh của hành lá, tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một hương vị hấp dẫn kích thích vị giác. Bạn có thể thưởng thức món cháo nhum ở các quán hải sản trong thành phố Nha Trang như ở đường Tháp Bà, Nguyễn Tất Thành, Hai Tháng Tư… Giá một bát khoảng 40.000 – 50.000 đồng.

Cháo nhum bổ dưỡng hấp dẫn du khách đến thành phố biển. Ảnh: Huấn Phan

Xem thêm: Ba món ngon cho cuối tuần ở biển Nha Trang

 Cháo rắn hổ đất Đồng Tháp

Về Đồng Tháp, du khách không thể bỏ qua món này. Cách nấu khá cầu kỳ, thân rắn làm sạch chặt khúc, bỏ vào nồi cháo đậu xanh đang sôi sùng sục, cháo nhừ thì thịt rắn cũng vừa mềm, vớt thịt ra để nguội. Tiếp theo, đổ gạo và đậu xanh vào xoong nước hầm rắn, khi cháo chín nêm nếm cho vừa miệng. Xé thịt rắn hổ đất thành từng miếng nhỏ trộn với chanh và rau răm. Tô cháo múc từ nồi cháo sôi liu riu, rắc thêm thịt rắn, tiêu, ăn nóng, có tác dụng giải cảm.
Xem thêm: Cháo đậu rắn hổ đất – đặc sản của Đồng Tháp

Cháo cá lóc rau đắng miền Tây

Đi dọc các cung đường miền Tây, sẽ thấy nhiều quán cháo cá lóc rau đắng, giúp bạn thêm sức cho chặng đường. Được nấu từ gạo tẻ nở bung hạt, ninh kỹ, bát cháo gồm thịt cá lóc, chút nấm rơm, một ít tương, lạc, giá, rắc một ít tiêu, hành, rau thơm thái nhỏ, gừng tươi, ớt xắt. Ăn cháo cá lóc phải có rau đắng mới đúng vị khiến cháo thêm đậm đà, ngon miệng.

Cháo cá lóc giá 20.000-30.000 đồng một bát. Ảnh: Lam Linh

Xem thêm: Lẩu cháo gà ác nức lòng du khách miền Tây

Cháo bò Tri Tôn, An Giang

Vùng Bảy Núi (An Giang) có món cháo bò Tri Tôn độc đáo được chế biến từ bộ lòng bò. Nồi cháo luôn bắc trên bếp than hồng và bộ lòng sau khi luộc chín thì để riêng. Bát cháo mang ra, có các lát thịt bò thái mỏng, gân bò, gan, sách… và gia vị đi kèm là hành, ngò, gừng xắt nhỏ ngò gai. Người An Giang rỉ tai nhau, ăn cháo bò phải thong thả, bạn có thể nhẩn nha trò chuyện và từ từ nhâm nhi các miếng lòng bò để cảm nhận hương vị. Bạn có thể thưởng thức món ăn này ở chợ Tri Tôn với giá 15.000 – 20.000 đồng một bát.
Xem thêm: Đặc sản An Giang nhiều không kể xiết

(Theo VnExpress)

Đầu bếp Mỹ: “Chuyến đi tới Việt Nam thay đổi cuộc đời tôi”

Anthony Bourdain, đầu bếp khiêm MC nổi tiếng người Mỹ, chia sẻ những cảm xúc rất thật trong chuyến thăm tới các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Xem thêm: 9 địa điểm ở Việt Nam khiến khách Tây đi mãi vẫn “say như điếu đổ”

Trong cuộc phỏng vấn trên tờ tạp chí du lịch Condé Nast Traveller, Anthony Bourdain, đầu bếp khiêm chuyên gia ẩm thực và cũng là MC nổi tiếng người Mỹ, có những chia sẻ về chuyến đi của ông khám phá nhiều vùng đất mới. Tại đây, ông đưa ra cảm nhận riêng của mình về điểm đến ưa thích, nền ẩm thực địa phương và nhiều điều thú vị khác.

Đầu bếp Mỹ thưởng thức món ăn vỉa hè ở chợ Đông Ba, Huế

Khi được hỏi về điều ấn tượng nhất trong các chuyến đi, đầu bếp Anthony chia sẻ: “Tôi phát cuồng về khu vực Đông Nam Á. Tôi yêu hương vị, cảnh đẹp và con người ở Việt Nam, MalaysiaIndonesia. Với chuyến đi lần đầu tới Việt Nam, điều này đã thay đổi cuộc đời tôi. Có lẽ do mọi thứ đều mới lạ, khác biệt những gì tôi lớn lên. Món ăn, văn hóa, cảnh quan đều không tách rời nhau, và như tới từ một hành tinh khác”.

Một vài món ăn Huế ông thưởng thức trong bữa tối

Đặc biệt, nam đầu bếp người Mỹ có niềm đam mê với những món ăn đường phố. Ông cho biết: “Tôi thích ẩm thực đường phố, cho dù ở Mexico hay Việt Nam chăng nữa. Những quầy hàng trên đường ở châu Á hay châu Mỹ Latin đều hấp dẫn. Một số món ưa thích của tôi như phở Việt Nam, cơm gà Hải Nam Singapore hay tacos của Mexico đều có hương vị rất tuyệt vời”.

Đặc biệt, ông bày tỏ sự yêu thích với phở Việt và món bún bò Huế

Đầu bếp Anthony trong chuyến đi tới Huế năm 2014, ông có dịp tới thăm các gian hàng ở chợ Đông Ba để thưởng thức một tô bún bò đậm chất Huế. Ông nhận thấy “đây là món súp ngon nhất thế giới”, được chế biến khá phức tạp với nước dùng hầm từ xương.

Trong chuyến đi của mình, Anthony có cơ hội trải nghiệm với nhiều khách sạn khách nhau, nhưng ông vẫn ấn tượng nhất với những khách sạn cổ thời thuộc địa ở Đông Nam Á như Metropole Hà Nội, Majestic Sài Gòn hay Grand Hotel d’Angkor tại Angkor Wat.

Đây không phải là lần đầu MC kỳ cựu người Mỹ dành nhiều lời có cánh và sự thiện cảm với đất nước con người nước Việt. Trước đó, ông từng có bài báo mang tựa “Muốn được biết nhiều hơn về Việt Nam” đăng trên một tờ báo Anh.

Việt Hà (Theo cntraveler)

5 địa chỉ thưởng thức món Việt ở London

Nhà hàng Bánh Mì 11, Saigon Saigon hay Cây Tre là những địa chỉ thưởng thức ẩm thực Việt nổi tiếng dành cho thực khách khi du lịch ở London.
Xem thêm: 9 mẹo tiết kiệm tiền khi đi du lịch London

Bánh Mì 11

Đây là một trong những chuỗi nhà hàng ẩm thực Việt nổi tiếng ở London. Món ăn ở đây vẫn giữ được hương vị truyền thống đặc trưng chứ không bị “lai hóa” bởi chỉ một ổ bánh mì nhưng lại gồm rất nhiều hương vị của một bữa cơm Việt như thịt nướng, dưa leo, cà rốt, chua ngọt, ngò rí thơm, ớt cay, paté, mayonnaise… Ngoài bánh mì nóng giòn là món ăn bán chạy nhất, các món ăn Việt khác như cơm, bún cũng được thực khách rất yêu thích ở đây.

Địa chỉ: Số 101 phố Great Eastern.

Saigon Saigon

Saigon Saigon nằm ở phía tây London. Đây là nơi không có nhiều người Việt Nam khiến nhà hàng nằm gần như tách biệt so với các nhà hàng khác trong khu vực. Tuy nhiên, khi bước vào bên trong, không gian thoải mái và thư giãn cùng các món ăn ngon sẽ chinh phục cả những thực khách khó tính nhất. Thịt kho tàu với trứng chim cút và nem rán là những món ăn đắt khách nhất ở đây. Thêm một chương trình khuyến mại hấp dẫn vào thứ hai và ba hàng tuần, khách hàng sẽ được giảm 20% số tiền trên hóa đơn.

Địa chỉ: 313-317 King St

Cây Tre

Đây là nhà hàng phục vụ món Việt cao cấp ở London với lối thiết kế sang trọng và hiện đại. Giá cả đây khá cao so với mặt bằng chung nhưng một khi đã được thưởng thức, bạn sẽ nhận ra trải nghiệm của mình hoàn toàn xứng đáng với khoản tiền đã bỏ ra. Những món ăn nên gọi là cà tím nướng thịt ba chỉ, tôm tẩm bột chiên với khoai lang và mực ống nhồi thịt.

Địa chỉ: 42-43 phố Dean, Soho

Phở và Bún

Phở là món ăn Việt đã vang danh trên toàn thế giới, nhà hàng Phở và Bún là địa chỉ để bạn có thể thưởng thức những tô phở, bún Việt ngon nhất ở London. Phở ở đây vẫn giữ nguyên vị truyền thống đặc trưng do chế biến bằng các nguyên liệu tươi ngon như xương và thịt được lựa chọn kỹ càng chứ không dùng gia vị có sẵn. Ngoài ra, ông chủ nhà hàng cũng đã khéo léo khi Việt hóa bánh hamburger của người Anh trở thành món ăn độc đáo không thể trộn lẫn với những nơi khác.

Địa chỉ: 22-23 phố Liverpool

Miền Tây

Miền Tây là địa chỉ ẩm thực Việt nằm lòng đối với nhiều người ở London. Đúng như tên gọi, nhà hàng chuyên phục vụ những món ăn mang đậm phong cách miền Tây Việt Nam như bún bò, chả giò… Khi đến nhà hàng này, thực khách nên thưởng thức món bún chả giò nem nướng đắt khách nhất ở đây.

Địa chỉ: 180 Lavender Hill, Battersea

9 đặc sản không thể không thử khi đến Nghệ An

Cháo lươn, tương Nam Đàn, nhút Thanh Chương… là những món ăn đặc sản rất nên thử khi có dịp đến với xứ Nghệ.Xem thêm: Những món bánh canh miền Trung bạn nên thử

Cháo lươn

Cháo lươn là một trong những đặc sản xứ Nghệ được nhiều người ưa thích. Bát cháo có vị thơm cay nồng đặc trưng, thịt lươn vàng óng mềm ngọt thấm đẫm gia vị. Để nấu được món cháo lươn ngon thì trước hết bạn phải chọn được loại lươn đồng nhỏ, mình thon, thịt chắc. Lươn luộc chín, xé thịt dọc sợi, xào nấu cẩn thận.

Mùi thơm của lươn bay thoảng trong gió khiến chẳng ai có thể cầm lòng được. Nếu đến Vinh, bạn hãy thử món cháo ngon tuyệt này, đảm bảo sẽ nhớ mãi không quên.

Nhút Thanh Chương

Nhút là thức ăn dân dã, truyền thống của mọi gia đình ở Nghệ An. Nhút Thanh Chương được coi là “kim chi” xứ Nghệ. Món ăn này được làm từ mít xanh hoặc xơ mít chín và muối trắng. Nguyên liệu đơn sơ và giản dị thế thôi nhưng hương vị của nhút lại chua chua, giòn giòn, ăn rất thích thú. Nhút có thể dùng để chấm nước mắm, làm nộm, xào, nấu canh.

Người dân xứ Nghệ vẫn truyền nhau câu hát thân thương: “Ngái ngôi chi mà anh nỏ về/ Hay là vì anh chê quê em nghèo đói/ Hay anh chê em vụng về câu nói/ Đất Thanh Chương nhút mặn chua cà/ Chắc có lẽ rứa mà anh chê/ Chắc có lẽ rứa mà anh nỏ về…”. Người xứ Nghệ sống vì tình vì nghĩa, và phải chăng vì cả món nhút ngọt lành nữa?.

Tương Nam Đàn

Tương Nam Đàn là một đặc sản tinh khiết, thơm ngon của xứ Nghệ. Nguyên liệu chính được làm bằng thứ đỗ tương xuân hè trồng trên chính đất Nam Đàn. Tương có hai loại mặn và ngọt. Tương mặn dùng ăn hàng ngày, tương ngọt làm vào những chĩnh nhỏ và làm quà biếu. Tương Nam Đàn dùng để làm nước chấm, kho cá, kho thịt…

Trong một chai tương Nam Đàn có tới ba tầng khác nhau nếu nhìn từ ngoài vỏ. Tầng trên cùng là đậu hạt mới chỉ được dập vỡ làm đôi. Tầng giữa là nước tương có màu Hổ Phách, còn tầng dưới cùng là mốc tương có màu vàng thẫm. Vị mặn ngọt hòa lẫn tạo ra hương vị đặc biệt của tương, nếu làm nước chấm có dính thêm mẻ đậu thì có vị ngọt bùi.

Bánh bèo

Khác với bánh bèo Huế làm từ bột gạo, bánh bèo xứ Nghệ được làm từ bột lọc. Người ta phải nhào bột nhiều lần cho kỹ mới có được một mẻ bánh ngon. Nhân của bánh bèo là nhân tôm hoặc nhân thịt, những con tôm được làm sạch rồi phi thơm cùng hành mỡ. Tôm xào càng kỹ thì càng ngấm gia vị, khi ăn càng thơm và càng ngọt bùi.

Bánh bèo Nghệ An mang vị đậm đà thơm ngon, không lẫn vào đâu được khi thưởng thức cùng nước chấm, rau thơm (rau mùi),… Ăn một miếng bánh bèo, thực khách sẽ cảm nhận được vị dai dai của bột lọc, vị bùi bùi của tôm thịt, vị giòn giòn của hành khô và vị thanh mát của rau sống.

Xem thêm: Bánh bèo chén – món ăn dung dị đất Phú Yên

Bánh mướt

Bánh mướt ở Nghệ An nhìn qua cũng khá giống với bánh cuốn ở ngoài bắc nhưng có hương vị thơm ngon rất riêng và ăn lúc nguội có vị mềm mát, dễ chịu. Bánh mướt thường dài như ngón tay trỏ người lớn, được cuộn tròn, trắng trong, mềm mịn. Bánh được làm bằng bột gạo tẻ xay nhuyễn và ủ trong nhiều giờ, sau đó được rưới thêm chút nước mỡ hành phi. Với bánh mướt, chỉ cần thêm chén nước mắm vắt chanh, đường vừa đủ, ớt cắt lát thái mỏng là ăn đến no.

Bánh mướt đơn giản, không cầu kỳ chỉ cần nước bột gạo phải ngon. Bánh mướt có thể ăn cùng bát xáo lòng cũng cực kỳ ngon.

Cháo canh

Cháo canh dường như đã trở thành “thương hiệu” không thể bỏ qua với mỗi du khách khi đến Nghệ An. Nét đặc trưng của món này là những sợi bánh được làm từ bột mì. Sợi mì phải mềm và dai, nhúng qua nước ấm rồi để ráo, sau đó trộn với bột gạo.

Tuy nhiên để có một món cháo canh ngon cần phụ thuộc nhiều vào phần nước dùng được hầm từ xương ống. Đợi khi nước xương được hầm nhừ, thả những sợi mì trắng, cho thêm tôm, thịt băm đã xào với hành khô phi thơm phức là đã có một món cháo canh ngon lành.

Bánh đa xúc hến

Bánh đa xúc hến là một món nhậu quen thuộc vào những dịp hội họp bạn bè của người dân xứ Nghệ. Hến được đãi từ sông Lam, tách vỏ béo, xào cùng hành mỡ. Những miếng bánh đa Đô Lương giòn tan trở thành những chiếc thìa xúc hết với hương vị ngọt, bùi, thơm phưng phức đầy quyến rũ. Gia vị để ăn cùng bánh đa là lạc giã dập, rau sống và ớt cho những người muốn thêm chút vị cay nồng cho món ăn này.

Mực nháy nướng Cửa Lò

Đến với vùng biển đầy nắng gió của xứ Nghệ hãy thưởng thức món mực nháy nướng giòn tan. Mực nháy có nơi còn gọi là mực nhảy, tên gọi dùng chỉ những con mực được ngư dân vừa bắt lên còn tươi nguyên, được đưa vào chế biến và thưởng thức ngay tại chỗ.

Mùi thơm của mực nướng chấm với gia vị chua chua, ngọt ngọt hoặc chỉ cần tương ớt thôi là đã quá tuyệt vời. Mực nháy nướng ở Nghệ An nằm trong top 10 đặc sản hải sản Việt Nam.

Cam xã Đoài

“Cam xã Đoài mọng nước/ Giọt vàng như mật ong/ Bổ cam ngoài cửa trước/ Hương bay vào nhà trong”… Những vần thơ của Phạm Tiến Duật dường như đã lột tả được vị thơm ngon của những trái cam ở vùng đất xã Đoài thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Cam xã Đoài chín rộ vào dịp trước Tết nhưng ngay từ tháng 10, tháng 11 âm lịch đã có nhiều người đặt mua. Cam xã Đoài có mùi thơm đặc biệt, ngọt, vỏ mỏng, rất nhiều nước. Cam có thể ngâm với rượu để có một sản phẩm rượu vị ngọt thanh, có thể dùng làm món khai vị, bồi dưỡng sức khỏe.

(Theo Báo Đất Việt)

Những món ngon được lòng du khách ở Hội An

Phố cổ Hội An tuy nhỏ, dạo một vòng hết phố chỉ mất nửa buổi. Nhưng lưu lại phố cổ Hội An một đôi ngày có thể vẫn chưa đủ thời gian thưởng thức hết đặc sản ẩm thực Hội An. Có nhiều món ngon nên thưởng thức nơi Cảng thị Faifo xưa sầm uất vang bóng một thời này.
Xem thêm: Đến Hội An đừng quên 5 món ngon phố Hội
Những món đặc sản đặc trưng của phố Hội phải kể đến cao lầu, bánh bao bánh vạc, và cơm gà Hội An. Những món ăn vặt ở phố cổ cũng khá phong phú, đặc sắc như xíu mà, bánh tráng đập, hến xào, nem lụi, bánh xèo, chè bắp…
Thưởng thức ẩm thực là một trải nghiệm được lòng du khách ở phố cổ Hội An

Nói đến ẩm thực Hội An không thể bỏ qua món cao lầu. Đây phải nói mà một trong những món tiêu biểu riêng có ở phố Hội. Để có được sợi cao lầu, những người nhà nghề ngâm gạo nước tro đã được lọc kỹ, rồi xay thành nước bột. Dùng nước bột này lọc qua vải nhiều lần cho đến khi chỉ còn bột ráo và dẻo. Bột này được cán mỏng thái thành sợi đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để có sợi cao lầu có màu nước tro đặc trưng. Ăn kèm với cao lầu là thịt xá xíu, những miếng ram nhỏ làm từ miếng bột cao lầu khô đem rán, rau sống, nước tương (ở địa phương gọi là xì dầu), tương ớt.

 Cao lầu Hội An

Thưởng thức món cao lầu nhiều người vẫn hỏi sao món đặc sản này có cái tên lạ vậy. Theo người dân địa phương sống lâu năm kể lại ngày trước món cao lầu có tên là mì gỗ, món này trước kia thường phục vụ cho người dân sống trong phố thị nên có thể cái tên cao lầu có xuất xứ gắn liền với những ngôi nhà phố. Lại có lý giải món cao lầu có thể liên quan tới thú cao lâu (thưởng thức ca nhi đàn hát).

Món thịt xá xíu đậm vị nước tương nảy sinh giả thuyết đây là món ăn của người Hoa nhưng người Hoa ở phố cổ cho rằng món này không phải món Tàu. Sợi mì cao lầu lại giống với sợi mì lạnh Udon của Nhật Bản nhưng vị cũng khác. Nên chỉ có thể nói cao lầu là đặc sản ở Hội An. Nhất là, nước tro ngâm gạo làm bột cao lầu nghe đâu phải lấy từ tro củi ở Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An), và nước ngâm lấy từ nước giếng Ba Lễ – nước giếng nổi tiếng là không phèn và mát lành. Ở Hội An có rất nhiều tiệm cao lầu ngon từ tiệm phố đến những gánh nhỏ dọc phố ẩm thực ven sông.

Nếu như món cao lầu chế biến khô có thể chưa thật hợp khẩu vị với du khách đến từ nhiều nơi, thì món được thực khách ưng bụng nhất ở đô thị cổ này là món cơm gà Hội An. Cơm gà Hội An đặc biệt ở hạt cơm khô vừa tới và béo. Để nấu cơm gà phải chọn được loại gạo thơm, dẻo. Gạo vo sạch xong để ráo rồi đảo qua chảo sơ trước khi cho vào nồi nước nấu cơm. Nước dùng nấu cơm là nước luộc gà mới cho ra hạt cơm có beo béo, dậy mùi thơm. Để có đĩa cơm gà ngon “đúng điệu” phải chọn gà tơ thả vườn, thịt mềm, thơm. Gà luộc xong đem xé miếng nhỏ trộn với rau răm, hành tây, gia vị.
Cơm gà phố Hội

Ăn kèm còn có nước chế biến từ lòng mề, tim cật gà, đu đủ bào, tương ớt, nước tương, một lát chanh tùy khẩu vị thực khách. Bên cạnh còn có chén nước dùng từ nước gà luộc, nhiều tiệm “biến tấu” chén nước dùng thêm đậm đà với một ít rau thơm, hay một chút trứng đảo nóng dậy mùi thơm cho nước dùng.

Hội An có nhiều tiệm cơm gà có tiếng. Lâu đời nhất phải kể tới cơm gà Bà Buội. Nhiều người dân địa phương hay du khách nhiều lần trở lại Hội An cũng “kết” món cơm gà Bà Hương ở kiệt (hẻm) Sica trên đường Lê Lợi, cơm gà Bà Minh trên đường Lý Thường Kiệt (đối diện sân vận động Hội An), hay cơm gà Bà Nga ngay giao lộ Nguyễn Huệ – Phan Châu Trinh (gần thư viện Hội An)…

Một trong những món đặc sản không nên bỏ qua khi đến Hội An nữa là bánh bao bánh vạc (hay còn có tên gọi là bông hồng trắng – dịch theo tên gọi dành cho khách phương Tây). Vỏ bánh làm bằng bột gạo được lọc nhào nặn kỳ công để cho ra vỏ bánh mềm, khi đã hấp xong, vỏ bánh vẫn trong suốt nhìn được rõ cả nhân bên trong. Bánh bao có nhân thịt tôm giã nhuyễn, tạo hình như một đóa hoa trắng nhỏ xinh nên bánh còn có tên gọi là bông hồng trắng. Bánh vạc có tạo hình gần như bánh bột lọc, nhân bên trong gồm thịt heo thái nhỏ, nấm mèo, hạt giá, lá hành được xào chín sơ trước khi bọc vỏ bánh và cho vào nồi hấp..

Bánh bao bánh vạc (bông hồng trắng)

Ở Hội An hầu như các nhà hàng, quán ăn phục vụ thực khách trong khu phố cổ đều có món này. Nhưng chủ lò bánh có được bí quyết gia truyền, cung cấp bánh cho các nhà hàng, quán ăn ở Hội An chỉ có một tiệm Bông hồng trắng nằm trên đường Nhị Trưng, đoạn gần giáp với giao lộ Nhị Trưng – Lý Thường Kiệt.

Ngoài những món ăn no bụng, Hội An còn nhiều món ăn chơi ngon miệng ở những hàng quán vỉa hè. Du khách đến phố cổ biết tiếng đều thử ăn món xíu mà (chí mà phù, chè mè đen) của ông Ngô Thiểu trên đường Nguyễn Trường Tộ, đoạn vỉa hè giáp tường bao sân vận động thành phố. Ông Ngô Thiểu nay đã già yếu. Con cháu nối nghiệp ông vẫn duy trì gánh xíu mà nhỏ giản dị ven đường mà ít khi thưa khách. Gánh chỉ bán từ khoảng 9h – 12h trưa là hết xíu mà.

Xíu mà (chí mà phù, chè mè đen)

Xíu mà vốn là chè mè đen, món ăn của người Hoa, vẫn thường thấy bày bán ở các khu đông người Hoa kiều ở các thành phố lớn như Sài Gòn. Nhưng chén xíu mà Hội An không lỏng mà đặc sánh có vị ngọt bùi, beo béo, thơm lựng.

Nguyên liệu chế biến xíu mà gồm có gạo nếp hương, mè đen, nhân dừa xay nhuyễn, đường, và thanh địa thuốc bắc… Nhưng làm sao để chế biến món xíu mà ngon, dậy mùi thơm lựng là bí quyết của ông Ngô Thiểu, nay chỉ được chỉ bày cho truyền nhân là người trong gia đình.

Nhiều địa chỉ ăn vặt nên bỏ túi khi đến Hội An nữa là quán bánh xèo, nem lụi Bà Bé ở hẻm giếng Bá Lễ trên đường Phan Chu Trinh (đoạn gần Rạp chiếu bóng thành phố), qua cầu Cẩm Nam sang làng bánh tráng đập dập, hến xào, chè bắp với dãy dài hàng chục quán chuyên bán các món này ở đây.

Khánh Hiền (DanTri)

Liên hoan ẩm thực quốc tế ở Hội An

Từ 14/3- 20/3 tới, tại phố cổ Hội An (Quảng Nam) sẽ diễn ra Liên hoan ẩm thực quốc tế với sự tham gia của các đầu bếp chuyên nghiệp đến từ 12 quốc gia cùng với các đầu bếp địa phương.

Các đầu bếp đến từ 12 nước sẽ cùng các đầu bếp ở Hội An tham dự Liên hoan quốc tế từ 14/3-20/3 tới

Cụ thể Liên hoan ẩm thực quốc tế mang chủ đề “Hương vị thế giới” sẽ sẽ có sự góp mặt tranh tài và trao đổi văn hóa ẩm thực của các đầu bếp đến từ Đức, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Srilanka, Thụy Điển, Slovenia, Maritius, Ý, Pháp, Hy Lạp, Ấn Độ, Anh và các nhà hàng danh tiếng ở phố cổ Hội An.

Du khách trải nghiệm làm bánh cuốn

Trong khuôn khổ Liên hoan sẽ diễn ra các hoạt động giao lưu kỹ thuật chế biến các món ăn truyền thống của các nước có đầu bếp đến Hội An dịp này. Các đầu bếp sẽ dùng chính các nguyên liệu sẵn có ở Hội An để chế biến món ăn truyền thống của nước mình. Không gian diễn ra liên hoan cũng sẽ được trang trí theo chủ đề của các nước có đầu bếp tham gia lễ hội .

Đặc biệt, trong đêm khai mạc (14/3) và đêm bế mạc (20/3) tại khu vực Vườn tượng Hội An sẽ diễn ra tiệc ẩm thực đường phố. Đây sẽ là nơi chế biến, trưng bày các món ăn do 12 đầu bếp cùng thực hiện để người dân và du khách thưởng lãm và thưởng thức.

Khánh Hiền

Những quán ăn vặt hút khách ở Đà Nẵng

Bánh tráng nướng, da heo trộn hay ram bắp là những món ăn vặt rất thú vị cho một buổi chiều lang thang ở Đà Nẵng.
Xem thêm: Ba ngày du ngoạn Huế – Đà Nẵng – Hội An

Du khách có thể thưởng thức những món ăn vặt với giá 15.000 – 40.000 đồng.

Bánh tráng hẻm Lê Đình Dương

Nằm trong một con hẻm nhỏ thuộc phố Lê Đình Dương, gần khu vực Cầu Rồng, quán ăn nhỏ nhưng từ lâu đã thu hút khách bản địa ở Đà Nẵng. Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều món ăn vặt ở đây sau khi khám phá thành phố biển như bánh tráng trứng, bánh kẹp, bánh pate…. Món được nhiều thực khách lựa chọn hơn cả là bánh tráng nướng giống kiểu Đà Lạt

.

Những chiếc bánh tráng nướng giòn rụm là món quà vặt thú vị khi lang thang Đà Nẵng. Ảnh: yeudanang

Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được lớp vỏ giòn rụm, nhân gồm lạp xưởng, trứng, mỡ hành… đầy đặn, béo mà ăn không cảm giác bị ngấy. Giá khoảng 15.000 đồng một chiếc.

Da heo trộn, bánh bột lọc Lý Thái Tổ

Quán sạch sẽ, thoáng mát nằm trên đường Lý Thái Tổ, là thiên đường ăn vặt cho giới trẻ ở Đà Nẵng. Nhiều thực khách đến đây rất thích thú với món da heo trộn.

Những miếng da heo được luộc chín rồi xắt thành sợi mỏng, trộn cùng với các loại rau thơm, cà rốt hay đu đủ nạo sợi, chút hành khô phi thơm và nước chấm được pha chua ngọt. Điểm xuyết lên trên đĩa da heo trộn là lạc rang được giã dập, bùi bùi.

Da heo trộn là món ăn đường phố hấp dẫn thực khách. Ảnh: bepgiadinh

Khi ăn bạn sẽ cảm nhận độ dai sần sật của bì, độ giòn của đu đủ hay cà rốt thái sợi, thoảng vị hành phi lẫn trong thứ nước trộn hấp dẫn. Ngoài ra ở đây cũng có món bánh bột lọc tôm khá ngon. Giá các món từ 15.000 đến 30.000 đồng một đĩa.

Ram bắp Phan Tứ

Quán bình dân nhưng không gian lịch sự, thoáng mát, chuyên phục vụ các đặc sản xứ Quảng, nằm trên đường Phan Tứ. Đến đây bạn nhất định phải thử món ram bắp thơm ngon.

Cách chế biến món ăn này rất đơn giản, bắp non được nạo ra, thêm chút trứng gà và thịt bằm rồi cuốn vào chiếc bánh tráng, rán vàng. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị giòn tan của bánh tráng cuốn cùng rau sống, rất thích hợp cho ăn bữa nhẹ vào buổi chiều.

Ram bắp là món ăn vặt phù hợp cho bữa ăn nhẹ buổi chiều. Ảnh: cadn

Vừa ngồi thưởng thức các món ăn vặt nơi đây, bạn vừa được cảm nhận những làn gió biển mát rượi thổi vào. Ngoài ra du khách có thể thử các món ăn khác như ram cuốn cải, bún thịt nướng, nem lụi… giá từ 20.000 đến 40.000 đồng mỗi suất.

Bánh tráng kẹp Núi Thành

Nằm ở đường Núi Thành, quận Hải Châu, quán ăn này có đủ các loại bánh tráng, nhưng nhiều thực khách mê mẩn nhất là bánh ướt trứng, bánh ướt pate hay bánh tráng kẹp…

Bánh tráng kẹp giòn rụm. Ảnh: Út Faifoo

Những chiếc bánh tráng được phết lên một lớp trứng cút, hành khô phi thơm, hành lá nướng trên than hồng đến khi giòn tan, tỏa mùi thơm phức cuốn hút bất cứ thực khách nào ghé qua. Giá khoảng 15.000 đồng một chiếc.

Anh Phương (VnExpress)

Những món bánh canh miền Trung bạn nên thử

Với công thức chung gần giống nhau, nhưng mỗi tỉnh lại có những thay đổi trong cách chế biến đã làm nên hương vị đặc trưng riêng biệt khiến du khách khó quên.
Nếu có dịp du lịch đến các tỉnh miền Trung, du khách đừng quên thưởng thức các món bánh canh dưới đây.

Bánh canh Quảng Bình

Quảng Bình, món bánh canh được gọi là cháo canh. Nguyên liệu kèm theo của món cháo canh là sườn heo và tôm tươi, cũng có thể là cá. Độ ngon của cháo canh quyết định bởi nước dùng. Thông thường nước dùng của món cháo canh được hầm từ xương heo, nhưng nước dùng làm bánh canh Quảng Bình còn tổng hợp từ xương, tôm, cá. Cháo canh Quảng Bình còn lạ bởi được ăn kèm với rau cải xanh thái nhỏ. Vị cải xanh vừa ngọt vừa cay tạo cảm giác bùi bùi khi thưởng thức.

Cháo canh được bán ở các đường Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo… TP Đồng Hới với giá 20.000-30.000 đồng một tô.

Bánh canh bột lọc Quảng Trị

Quảng Trị món bánh canh được gọi với cái tên khá thú vị là “cháo bột”. Cách nấu phổ biến nhất là cá lọc lấy thịt, đem ướp gia vị, om chín, phần xương đem giã ra nấu lấy nước dùng.

Đối với sợi bánh canh, người Quảng Trị sử dụng cả bột gạo tẻ và bột gạo lứt, ngâm cùng nhau cho mềm mới đem xay, nhào kỹ và dùng ống tre cán mỏng, cắt thành sợi nhỏ. Cũng bởi vậy mà sợi bánh canh khi nấu lên có phần đục, dai hơn các nơi khác. Khách gọi, chủ quán đun sôi nước dùng, cho bột vào nấu rồi đến khi gần chín mới thêm phần thịt cá. Bánh canh nóng hổi múc ra tô, rắc thêm một nắm hành xắt mịn, khói bốc lên nghi ngút, thưởng thức thì càng thấy vị đậm đà khó quên.

Bánh canh nổi tiếng nhất ở Quảng Trị là bánh canh Hải Lăng, ở ngã ba huyện Hải Lăng. Nếu ghé TP Đông Hà, bạn có thế tìm ăn bánh canh (cháo bột) ở chợ Đông Hà, với giá 15.000-20.000 đồng một tô.

Bánh canh cá lóc Huế

Nhắc đến ẩm thực Huế, bánh canh cá lóc là món ăn không thể bỏ qua. Cách nấu món này khá cầu kỳ. Cá lóc được luộc chín, tách lấy thịt rồi thêm gia vị cho thấm. Xương cá được giã nhuyễn, lọc lấy nước nấu cùng với nước luộc cá. Đây cũng chính là bí quyết giúp nước cháo luôn ngon ngọt tự nhiên.

Vị ngọt tự nhiên của cá chính là điểm cộng cho món ăn này.

Bánh canh cá lóc thường dùng như một món giữa buổi hoặc ăn khuya, và được bày bán từ khoảng xế chiều, với giá chỉ 10.000 đồng một tô, ở đường Nguyễn Huệ, Nguyễn Công Trứ hoặc gần ga Huế.

Bánh canh chả cá nhồng Nha Trang

Xem thêm: Bún sứa Nha Trang – Món ăn mang đậm hương vị biển

Ở thành phố biển Nha Trang, bánh canh chả cá là món ăn quá đỗi quen thuộc, gắn chặt với đời sống của người dân nơi đây. Về thành phần, món ăn này không có gì khác biệt so với các địa phương khác. Hai thành phần chính là sợi bánh canh và chả cá. Tuy nhiên, với người Nha Trang, sự khác biệt của món ăn đến từ những lát chả cá nhồng chiên vàng, ăn kèm theo trứng cá, lòng cá…

Các quán bánh canh ngon ở Nha Trang ở đường Yersin, Bà Triệu, Ngô Gia Tự, Phan Chu Trinh… với giá 10.000-15.000 đồng một tô.

Bánh canh chả cá Phan Thiết

Được xem là món ăn bình dân tại Phan Thiết, nhưng luôn được khách du lịch “săn tìm” để thưởng thức, bánh canh chả cá từ công thức truyền thống đã có thêm các biến tấu như thêm nấm rơm, trứng cút, xíu mại…

Bánh canh ở đây có hai loại là bánh canh chả cá và bánh canh chả hấp được chế biến rất ngon. Khi ăn, khách có thể dùng kèm bánh mì để chấm với nước bánh canh. Bạn có thể ăn món này tại một số quán trên đường Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông, Kim Đồng… vào buổi chiều tối với giá 20.000-25.000 đồng một tô.
Xem thêm: 12 món ngon trứ danh đất Phan Thiết

Má Lúm

Tré bò – món khoái khẩu của người dân đất võ

Tré là món nhậu, món ăn khoái khẩu không thể thiếu của người miền Trung, đặc biệt là vùng đất võ Bình Định. Đến dải đất này, không được thưởng thức Tré bò thì coi như chưa đến Bình Định.
Xem thêm: Ba ngày du ngoạn đất võ Bình Định

Món tré là món ăn đặc trưng của người Bình Định được làm từ tai heo, thịt bò, thịt ba chỉ… thái mỏng, trộn lẫn với các loại gia vị như riềng, mè, tỏi, tiêu… gói lại trong lá ổi, lá chuối có vị rất riêng – Món này khoái khẩu không hề thua kém nem chua Hà Nội, Huế, Thanh Hóa hoặc nem Phùng. Thậm chí còn được nhiều người đánh giá cao hơn vì hương vị độc đáo.

Lựa miếng thịt ngon trụng nước sôi cho chín ngoài, xắt mỏng (thịt heo sớ ngang, thịt bò sớ dọc). Hai thứ thịt sau khi đã luộc chín đem cắt miếng mỏng nhỏ như ngón tay hoặc xắt chỉ càng ngon. Trộn thịt cùng với một muỗng súp thính hai muỗng cà phê đường nửa muỗng cà phê muối cùng riềng, tỏi, mè trộn tất cả thật đều.

Nắm thịt thành từng nắm như quả cóc, bỏ thịt vào lá chuối có trải sẵn lá ổi, cuốn tròn thịt. Dùng 1 lớp lá chuối xé nhỏ giống như cách làm nem, quấn ngang viên tré, túm gọn 2 đầu, cột chặt. Công đoạn gói tré khá quan trọng vì nếu không khéo, gói không chặt thì sau này khi bóc lớp lá bọc ra, tré bên trong không thành một khối mà bị rã rời ra. Khi gói, phải ém thật chặt để tré thành lọn nhưng khi ăn, thường thì người ta lại làm cho lọn tré rời ra.

Đến Bình Định ngoài thú vãn cảnh ở vùng đất này du khách sẽ được thưởng thức món ngon như món Tré bò nhâm nhi với rượu bàu đá

Một thứ phụ trợ nhưng lại không thể thiếu là lá ổi. Lá ổi là lớp lá trong cùng, tiếp xúc với thịt và làm cho món tré có mùi thơm riêng biệt nên không thể thay bằng bất cứ loại lá nào khác. Tré gói xong được vào nơi thoáng, để 3 ngày, tré chua là dùng được.

Thưởng thức tré bò là hưởng cái vị ngọt thơm của thịt, cái giòn của bì, vị thơm của giềng, vị bùi-béo của vừng, vị chát-vị thơm của lá ổi…

Không chỉ là “mồi nhậu” tré còn là món khai vị trong các dịp lễ tết, liên hoa, cưới hỏi hay các buổi đãi bạn bè ở dải đất này.

Hữu Thắng